Monday, September 7, 2009

Lao Động


Sau 75, hầu như đi đâu cũng nghe chữ Lao Động - Lao Động là vinh quang ( lang thang là chết đói ... ??) ," Bàn tay ta làm nên tất cả , có sức người sỏi đá cũng thành ... chi ? "( ai biết!)
Lao động tay chân nói trắng ra là lao động cuốc đất, đào kênh, đắp đập, đạp xích lô , chặt củi , lao động nông trường , kinh tế mới , không ai đề cao nói tới lao động trí óc cả , bác sĩ , kỹ sư , giáo sư còn phải ra cuốc đất bởi theo Uncle Hair nói thì :" Trí thức không bằng cục ph. " ! Chính sách soạn sẵn, ai cũng phải lao động , không lao động là ăn bám !
Bác sĩ , giáo viên càng phải học cách lao động , gặt lúa trồng cây tuốt luốt!
Theo cái không khí hồ hởi phấn khởi đó, lũ học sinh chúng tôi cũng được cho ra đồng lao động, cuốc đất , phá rừng , trồng cây , đi rẫy ...  Nhớ lại những năm học Sư Phạm, như đã nói, giáo viên còn phải lao động chí chết theo chỉ tiêu huống chi là lũ giáo sinh lóc nhóc chúng tôi!
Khác với mấy năm học ở cấp 3 , lao động chỉ đơn thuần là một buổi quét trường hoặc  một ngày lên rẫy cuốc đất,  ở trong trường Sư Phạm, các Giáo sinh năm thứ I phải hoàn thành cho xong mấy tuần lao động trên Suối Dầu , địa danh cách thành phố NT đâu cỡ trên dưới 15, 17 cây số , còn năm thứ II thì cứ chỉ tiêu như vậy mà cộng thêm lên gấp đôi thời gian lao động !
Một năm học có mấy tuần tập quân sự lăn lê bò toài tháo lắp vũ khí , mấy tháng học chính trị , mấy tháng kiến tập, thực tập, họp hành ... so lại mớ lý thuyết lên lớp của chúng tôi chẳng có là bao !
Nói tới lao động ở xa nhà cả tháng, lũ học sinh thành phố chúng tôi hí hửng lắm, có mấy khi được đi xa nhà chung cả đám như thế! Sau 75 việc đi lại đã khó khăn, tiền bạc không có, xe cộ giá vé mắc như vàng, chúng tôi quanh quẩn ở thành phố với những giải trí nghèo nàn dăm bộ phim Liên Xô cũ rích, lâu lâu có được vài phim Tiệp Khắc Ba Lan lãng mạn chút chút thì chen nhau đứng xếp hàng như cá hộp mà mua vé !

Đợt lao động kỳ này của chúng tôi bị kéo dài thêm mấy tuần, bởi theo lời nhà trường , lớp chúng tôi là lớp ngoan nhất, gương mẫu nhất , cho nên được cái may mắn đóng góp sức lực cho nông trại Suối Dầu thêm thời gian lao động trong khi các lớp khác đã đầy đủ chỉ tiêu ngày lao động cho một năm học!

Ngày lên đường, nhà trường mướn xe lam tống tiễn cả lớp ra đi , chúng tôi phải tụ tập đứng ngồi lủ khủ trước cổng trường từ sáng sớm tinh mơ. Ngày thường, chúng tôi  mặc áo sơ mi quần tây, đi học,  tuy không diện tinh tươm cho lắm trong cái thời " một năm ba thước vải thô " , nhưng cũng không giống như những kỳ lao động, ai ai không hẹn mà cùng lên đồ những bộ  y phục chắc , bền , cũ , nón lá, quần đen, áo dài tay ...  trông thiệt không khác gì công nhân quét đường về đêm!
Cả tuần lễ tôi về than thở với cả nhà không có quần áo lao động theo lời nhắc nhở, Má cặm cụi chế biến cái quần đen rộng thinh cho tôi mang cái vẻ lao động lam lũ chút chút để hoà mình vào đoàn quân lao động, khỏi bị phê bình tiểu tư sản , cái tiếng mà tôi bị gán cho suốt những năm học cấp 3 và những năm ở SP ! Không có áo vải dài tay, má lục từ đống đồ may cho chị người làm năm 75 chưa kịp cho chị thì chị đã biến mất khỏi nhà , ( nghe đâu chị đã về quê nhận lãnh vai trò chủ tịch nông hội gì đó ) , tôi thừa hưởng những cái áo của chị người làm trong vai người giáo sinh lao động !
Xe lam thả chúng tôi bên vệ đường trước nông trại Suối Dầu, chúng tôi lễnh mễnh vác ba lô , túi xách,  đi nhận giường nằm trong những cái láng trại mà khoá 1 và 2 đã nhọc công xây dựng ! Cũng thầm nhủ lòng may mắn hơn các khoá đàn chị ,đàn anh đi trước đã ngủ đất dầm sương chặt những cây cao su to đùng bằng cả hai , ba người ôm chưa xuể , khai phá chặt bỏ cao su cho chúng tôi có láng trại tươm tất giữa rừng núi !
 Nói tươm tất chứ thật ra những cái láng bằng tranh vách đất hở hang gió lùa  giữa rừng núi heo hút về đêm quả là lạnh buốt và về trưa thì nóng hầm như đổ lửa , lâu lâu vài con rít , bò cạp to tướng rớt đánh bịch xuống giường gây nên những tiếng rú thất thanh hoặc vài con chuột đói lang thang dòm ngó các túi thức ăn chúng tôi mang theo ! Có lẽ rít , bò cạp  cũng ngán những tiếng thét của chúng tôi cho nên không thấy ai trong đám chúng tôi bị rít hay bò cạp cắn , mà chỉ có dăm đứa ban đêm bị chuột cạp chân nhấm thử da thịt học trò thành phố !
Buổi sáng ra quân , thầy Sủng giao cho chúng tôi cuốc khai phá đất trồng khoai lang, khoai mì !
Cuốc thì tôi đã từng thử qua trong các điệu múa từ hồi học tiểu học kìa , múa vũ khúc Ngày Mùa tôi cuốc cũng nên dáng lắm cho nên tôi cũng hăng hái nhận ngay công tác cầm cuốc!
Lũ chúng tôi được giao cho mỗi đứa một cái cuốc , tha hồ mà cuốc lấy cuốc để loạn cào cào , ngay nhát cuốc đầu tiên suýt nữa tôi bập vào chân chị Lài bí thư chi đoàn đứng ở bên trái của tôi!
Để tránh cuốc lẫn nhau theo kiểu của tôi, Ban Lao động phải đổi đội hình cuốc dàn hàng ngang, cuốc đi tới ! Một lúc sau, tôi chợt nhận ra là tôi cùng vài đứa , tụt lại phía sau ! Ráng cuốc vội cuốc vàng đuổi cho kịp cái đám phía trước thì tôi lại táng ngay cán cuốc vào trán của anh Nha đứng bên phải !
Cái điệu này cuốc thật không giống như lao động trên sân khấu Ngày Mùa trời ạ! Thấy không thể nào giữ tôi lại trong đội ngũ cuốc đất vì sợ có lúc sẽ gây án mạng , BLĐ cho tôi về phụ tá nhóm lợp tranh , tức là bó tranh thành từng bó để đan thành từng mái lợp nhà !
 Qua tổ này quả thật khỏi phải cuốc gây án mạng cho bạn bè, nhưng chẳng bao lâu, thay vì vuốt tranh , cắt tranh bằng những cái liềm bén ngót, tôi lại cắt ngay một đường ngọt sớt vào ngón tay !
Khỏi nói cũng thấy được cái nhìn của anh chàng tổ trưởng tổ bó tranh nhìn tôi ra sao, còn tôi chỉ nhìn thấy máu nhuộm bãi Thượng Hải Suối Dầu này là tôi cơ hồ muốn xỉu và xỉu lăn đùng thật sự ! Anh chàng tổ trưởng chiều đó cho tôi giải nghệ bó tranh , trả tôi về cho Ban Lao động !
Mấy ngày dang nắng , lại còn gặp tai nạn, tôi từ làn da tươi mát cúa ... con mực tươi phố biển, bỗng chốc thành da con mực một nắng xìu xìu ểnh ểnh!
Tuần lễ sau , Ban Lao Động thuyên chuyển cho tôi và vài đứa chân yếu tay mềm qua công tác nhẹ nhàng ít gây tai nạn nhất theo ý cúa Cường Phó lớp LĐ , công tác Chăn Bò , dĩ nhiên là hắn cho thêm một cowboy đi kèm chúng tôi để huấn luyện tay nghề !
Trại lao động Suối Dầu lúc đó có đâu khoảng 6,7 con bò , ngày ngày chúng tôi phải cắt người đưa bò đi ăn cỏ các vùng chung quanh để nuôi cái gia tài to tướng của cả trường SP !
Sáng hôm đó , tôi đi cùng một đấng nam nhi , người vốn dĩ du học ở Nhatrang từ miền quê hương có lắm bò cho nên tôi yên tâm là anh chàng có nhiều kinh nghiệm chăn bò mà giao tánh mạng của mấy con bò và cả tôi vô tay chàng! Anh chàng học lớp tôi cả năm trời mà ít nói , thẹn thùng đỏ mặt khi nói chuyện với con gái, tôi gọi tên là Thóc!
Thóc cho tôi một cái que , hắn cầm một cái , mở cửa chuồng lùa bò ra đi .
Lần đầu tiên tôi có dịp gần gũi bò sát rạt để ngắm đôi mắt bò trong trẻo ngây thơ như vậy , coi bộ bò hiền hơn trâu vì thiếu cặp sừng bén ngót của trâu, tuy nhiên tôi hơi thất vọng vì không được thực hành cái câu " ai bảo chăn trâu là khổ , chăn trâu sướng lắm chứ ... " thôi thi bò cũng như trâu , làm cowgirl cũng ... có ngày được nổi tiếng trong truyện tranh Lucky Luke tôi hay đọc,  mai mốt về thành phố khoe thiên hạ cũng le lói chán!
Hôm nay tôi cẩn thận chọn cái áo dài tay màu nõn chuối của chị người làm . Tôi nghe nói bò ghét màu đỏ - ờ màu máu ai mà hong ớn - cho nên tránh tối đa cái màu hừng hực đỏ gây căm thù nơi mấy chú bò tót , tôi mặc màu xanh cỏ non, may ra bò nó nhìn tôi có thiện cảm hơn chăng!
Thóc dẫn bò đi trước , tôi - Cỏ Non - tung tẩy cầm roi múa máy đi sau đám bò, y như cảnh ... tía em hừng đông đi cày bừa !!!
Thóc dặn tôi thả bò gần gần cho ... dễ lúc đi về , tôi chỉ đại vô đám mía có bóng mát, Thóc cho đám bò ăn gần đó , hắn móc quyển vở trong túi quần, ngồi chăm chỉ học bài thi môn Phân Loại Thực Vật!
Trời xanh , mây trắng, nắng trong , một nam một nữ với một đàn bò , coi bộ cảnh tượng thơ mộng lãng mạn , nhưng không có chút tình tứ gì cả ! Cái thời của tôi sao học sinh ngoan đến như vậy , chẳng có chút tình ý gì với nhau!
Ngồi ngó đàn bò, ngó bờ sông, ngó anh chàng vô tình chăm chỉ học bài không thèm nói chuyện với một đứa ... xinh đẹp, tía lia như tôi, " Trách người nam tử vô tình, cầu cho lỡ bước rớt sình coi chơi ! Thấy ghét !

Tôi ngó cái đám bò nhơi cỏ, tụi này chỉ ăn cỏ khô cỏ tươi mà cho đời sữa tươi ngọt béo và thịt bò thơm ngon mà đã từ lâu , sau năm 75 tôi chưa được ăn lại! Mấy cái " bánh xe lịch sử " bằng bột mì mốc pha khoai mì sượng vo tròn luộc chấm muối cho buổi ăn sáng đã tiêu tùng trong bụng, tôi đâm tiếc giá tôi không ớn mà thủ vài cái đem theo lúc này, thay vì làm vũ khí ném bạn bè dính đầy trên nóc nhà thì chắc không bị đói như vầy !
Tôi ngắt đám cỏ xung quanh chỗ ngồi, hừm, tôi học Phân Loại Thực Vật bằng thực tế cỏ cây chung quanh, chứ không như Thóc chỉ học gạo lý thuyết, tôi tuốt lá già , lá non đám cỏ chân vịt , cỏ mần trầu , cỏ tranh, cỏ gấu .... nhấm nháp đọt cỏ cay cay đăng đắng !
Thóc học chán , ngó bò nhơi cỏ , ngó tôi mặt xanh dờn vì đói  đang nhấm nháp cỏ , hắn mở miệng cóc :" Đói hả , Trang muốn ăn gì không ? "
Còn phải hỏi , mà ăn gì đây giữa trời , Thóc hất hàm vào đám mía non sau lưng tôi , trời ạ , mía non chỉ vào độ hai gang tay chứ mấy ! Trước giờ tôi chỉ thấy bà Eva dụ ông Adam tổ tông ăn táo, chứ tôi chưa hề thấy con cháu  của Adam dụ con cháu của Eva ăn ... mía!
Còn đang suy nghĩ chuyện phạm tội của tổ tông , Thóc nháy mắt bảo tôi coi bò , hắn biến mất trong đám lá mía um tùm râm rạp . Tôi một mình chưa kịp phát hoảng vì sợ thì hắn thò đầu ra , cho tôi hai cành ( đúng nghĩa là cành) mía ốm nhách suông đuột ! " Thì thôi cây đã lìa cành, tiếc gì hong dám tiến nhanh lại gần" ... Tôi với hắn có bữa tiệc mía nhai nhóc nhách , hạ được cơn thiếu chất đường của những con người đang tuổi lớn!
Trưa nắng gắt , Thóc coi đồng hồ bảo lùa bò về . Tôi cầm roi , chỉ lối , miệng bảo bò ... đi về ! Cái lũ bò này đúng là ... ngu như bò , chúng cứ ỳ ra trước mệnh lệnh của tôi . Tôi ngó Thóc cầu cứu , hắn nhịp nhịp cái roi trên lưng bò , chả có con nào nhúc nhích cả trời ạ , đã vậy đám bò còn nhìn chúng tôi bằng ... những cặp mắt mang hình viên đạn!  Hum! Giờ này tôi chẳng thấy mắt bò đẹp ở chỗ nào ! Ngó Thóc cũng chẳng hơn gì tôi , hắn cũng lúng túng thấy rõ !
" Sao ông nói có chục năm kinh nghiệm chăn bò giờ làm sao lùa về đây ?" - Tôi gần khóc -
Thóc cười trừ :" Nói cho oai chứ ở nhà tui làm gì có bò !"
Lục lọi bao nhiêu chước quỷ ma, tôi mới nhớ cái kế dùng thức ăn dụ kẻ địch theo kiểu thằng em tôi hay dụ bà chị khỏi mét má tội lỗi của nó ! Tôi quay lại tìm cấy cái đọt mía mà Thóc đã cắm nguỵ trang trên cái gốc cũ, huơ huơ trước mũi con bò to nhất ! Mùi mía non thơm thơm kéo con bò sát với đọt mía ! À , vậy cũng dễ dụ chán , tôi thận trọng thụt lùi với đọt mía trên tay! Con bò lãnh đạo đủng đỉnh theo tôi, rồi cái phái đoàn ăn theo của nó cũng rùng rùng kéo theo sau .
Tôi đi ngược, tay huơ huơ  đọt mía , bò bị dụ theo kiểu con lừa và củ cà rốt theo về chuồng !
Cứ vậy chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăn bò mấy ngày sau!
Sau đó số bò gia tăng , lớp cử thêm một giai nhân chăn bò Hoa Hồng và đổi vai Cowboy cho một chàng khác cao ráo tía lia hơn !
 Chúng tôi phải đem bò đi xa hơn sát chân núi phía trước mặt trại - băng qua đường Quốc Lộ 1 ! Đám bò ỷ đông , ào ào ra chuồng , đi một mạch tới những nơi mà chúng muốn , chẳng thèm đếm xỉa gì tới chúng tôi ra công lùa cho chúng đi .... đúng theo đường hướng xã hội bò cả !!!
Nói thiệt tôi thấy giống như là bò chăn người chứ không phải là người chăn bò !
Đám bò lì lợm này biết lũ học trò chúng tôi khờ , chỉ ranh mãnh với quỷ ma chứ không dám đương đầu với bò cho nên cứ vậy mà chạy tán loạn lên núi ! Chúng tôi lễnh mễnh chạy theo vì sợ chúng bị xe cộ tông khi băng qua Quốc lộ, sợ chúng đi lạc !  Tới chân núi thì chúng thảnh thơi chia ra hai nhóm như là Lạc Long Quân và Âu Cơ ly thân , mỗi nhóm đi một đường tản mác !
Khổ thân Hồng , Tía Lia và tôi , chúng tôi xanh mặt đi theo đám bò , không đứa nào dám rời nhau ra, sau cùng , Tía Lia đi theo nhóm ông vua Lạc xuống biển, Hồng và tôi theo nhóm Bà Âu Cơ lên núi .
Chúng tôi không dám rời đám bò vì sợ bị lạc hoặc bị ăn trộm bò, cứ vậy mà thời gian dần trôi, chiều tối dần, không biết làm sao mà dẫn bò về ,
Tía Lia cũng biến mất với nửa dân số bò , còn lại Hồng và tôi dở khóc dở cười đứng ngồi ngó cái đám bò thảnh thơi tìm cỏ quanh quất!
Chiều xuống, chúng tôi nghe tiếng í ới gọi tên mình văng vẳng xa xa !
Thì ra cả lớp không thấy chúng tôi về cho nên túa ra đi kiếm người và bò .
Gặp mặt nhau , mừng mừng tủi tủi muốn khóc mà không dám, về tới láng tụi tôi mới ôm nhau chia xẻ nỗi sợ sau một ngày bị bò chăn !
Mấy tuần căng thẳng, tôi từ mực một nắng , kinh qua giai đoạn gian khổ biến thành mực tẩm khét nắng hăng mùi .... bò !
Qua hôm sau chúng tôi được thăng chức không chăn bò nữa !
Cường phó lớp lao động nghĩ ra được một công việc an toàn cho cả lớp tránh được những nhát cuốc của tôi , và cũng nghĩ an toàn cho lũ bò cho nên phân công tác khác cho chúng tôi !
Công tác trong tuần mới là phơi bo bo , sáng đem ra , chiều xếp vào, giữa ngày ngồi canh chừng kẻo chim chóc , người ngựa gì đó ăn trộm bo bo !
Ba bông hoa chúng tôi Hồng , Lan, và Trang trong vai đi phơi bo bo .
Cái này cũng không giống lúc tôi múa Được Mùa trên sân khấu ! Đám bo bo nặng hột, gây xót ngứa khắp mình mẩy con gái , nắng gắt làm mặt mày chúng tôi thành tôm luộc , còn tay chân thì khô khèo rát rạt! Dàn trận đám bo bo cho qua mắt ban kiểm soát, ba đứa chúng tôi ngồi thở dốc dưới bóng những cây bắp đang oằn mình kết trái!
Những ngày lao động rồi cũng trôi qua , ngày về lại thành phố tôi thay bộ đồ thôn nữ chăn bò bằng cái áo thun sọc sọc cho đỡ thảm thương !
" Ngày trở về ... anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre .."
Tôi bước lê tới cổng nhà , con Bông giật bắn người sủa inh ỏi , nó hoảng kinh cũng phải vì nó có nhận ra tôi đâu ! Con Bông hét toáng lên :" Lạ quá , lạ quá .. ẳng ẳng " ... Tiếng nó sủa làm thằng bé hàng xóm giật mình khóc thét, tiếng má thằng Tèo réo nó ham chơi không coi em ...  Xóm tôi chộn rộn ồn ào theo ngày trở về của tôi !
Má tôi ngóng con gái cưng từ trưa , đón con mà nghẹn ngào nhìn con mực tươi của má , sau khi lao động đã biến thành mực một nắng, rồi mực tẩm, bây giờ da thì y chang con mực khô , người thì trong bộ áo thun sọc sọc giống con ngựa vằn Phi châu với những vết xước bởi lá mía ,  gai đâm, vết trầy , vết nám , vết đứt chân tay ...

Những vết xước , vết trầy rồi lành lặn theo thời gian , những vết gai đâm rồi cũng liền da theo năm tháng , nhưng,  có một chiếc gai nằm mãi trong lòng tôi , nhức nhối luôn luôn , với một câu hỏi , nguời ta có thể bắt những bác sĩ , kỹ sư, giáo viên ... đi  lao động chân tay, làm ruộng cày bừa như một nông dân  , nhưng liệu người ta có biến được những nông dân lao động chân tay thành những bác sĩ , những nhà lãnh đạo mà có thể đoan chắc rằng họ không lỡ tay giết nhầm một bệnh nhân , một dân lành, một thế hệ vô tội trong suốt quá trình " lao động " cúa nông dân đó ???
TL
Gởi tôi và các bạn cùng thế hệ, - những người không có tuổi thanh xuân!-

29 comments:

  1. Một thời dĩ vãng mà. Dì và CPB tốt nghiệp ở châu Âu về vẫn bị cải tạo lao đông ở vùng sâu vùng xa.Heeee. Giờ thì khác rồi

    ReplyDelete
  2. Chắc trong chúng ta ai cũng có một thời như vậy. Bọn trẻ bây giờ có biết bo bo, cao lương, "ăn độn"...là gì đâu! Nhìn tới, để hy vọng một tương lai tốt đẹp, nhìn lại, ngậm ngùi một chút rồi để qua một bên đi em, cho nhẹ lòng.

    ReplyDelete
  3. Lao động là vinh quang , lang thang là trúng mánh . Hồi đó , mấy ông đi lang thang toàn là kiếm đường vượt biên hay chạy chợ trời không à sis Moon .
    Sis ở miền Trung , ngoài nớ đi lao động Suối dầu . Trong Nam , nông trường Lê Minh Xuân và đi thủy lợi thành phong trào của thanh thiếu niên .
    " Chuyện buồn nhỏ nhặt liệu mà quên " . Câu thơ này của ai em không biết , đọc trong sách Duyên Anh , thấy hay hay nên lấy làm motto của em .

    ReplyDelete
  4. Mình thì có những ngày đi thuỷ lợi ở Lê Minh Xuân , đến giờ vẫn nhớ chuyện .... ăn vào mà hổng có chỗ cho ra , ngày nào cả bọn con gái cũng dấm dúi hoặc đi thật xa để nhờ nhà dân ! Haizzzzzzz! Sợ thật !

    ReplyDelete
  5. @ NPB : Kỹ sư NN thì cho ra Suối Dầu thực tập cho quen mà Dì
    @ chị Yến : mừng cho bọn trẻ bởi vì dù không cuốc đất thì chúng vẫn là những đứa trẻ đóng góp trí tuệ và sưc' lực cho xã hội .
    Ghi lại lịch sử cho con cháu và cho chính mình chị ạ thì mới nhẹ lòng chị ạ
    @Vphuong: hì , chị lang thang mà hong trúng mánh nào cả , xíu nữa bị bắt tội lang thang vuot bien nè
    hehe
    Chuyện ghi lại cho mình và cho bạn , nhỏ lớn gì cũng khó lòng quên em ơi!
    @ Truc : ừa mình có nghe nong truòng Le Minh Xuan , thuỷ lợi ... vậy là tụi mình cùng giao cảm những ngày ấy nhỉ

    ReplyDelete
  6. Dòm cái tướng cứ tưởng bồ chỉ biết múa hát đóng phin thôi, ai ngờ củng bị bắt đi cuốc đất chăn bò hả ?Ừ thôi nhờ vậy mà có cái kể cho mọi người biết ...Giờ hong có ai bắt đi lao động nữa đâu, mấy người chủ trương ra cái đó chết hết rồi , bồ yên tâm nghen, về với tui thì tui dẫn đi chơi thôi ko bắt làm đâu ...hì hì..

    ReplyDelete
  7. Trang ơi ! đó cũng là một thời để mà nhớ , rồi cũng để mà ...quên đi .... Nổi nhọc nhằn gánh chịu cho cả thế hệ không may , chỉ có những người đã qua mới cảm thông cho nhau thôi , hiểu nhau ,,,bây giờ nghỉ lại cũng thắm thía lắm .

    ReplyDelete
  8. MT, nhận được email của mày sáng nay, bây giờ mới rảnh rỗi để chia sẻ tí đỉnh với bạn bè nè ...

    Bài viết của Mlan và mày làm hồn tao rưng rưng xót xa cho sự mất mát hoàn toàn ở thời thanh xuân của tụi mình thật nhiều. Thỉnh thoảng tao cũng kể những chuyện ngày xưa của tụi mình cho bạn đồng nghiệp ở đây nghe. Người ta ngạc nhiên vô cùng và không thể nào mường tượng ra được những chuyện như vậy lại xảy ra trong thế kỷ này !!!

    ReplyDelete
  9. Ut noi dung do sis oi, lao dong la vinh quang, lang thang se trung manh. Bay gio la mot thoi Phai Quen. Nhung gi sis viet chi la chut gi de nho..cua mot con ac mong. Ta on Troi Dat, chi em minnh da thoat !

    ReplyDelete
  10. Ai cũng có 1 lần để ngồi lại suy ngẫm chuyện đà qua,hihihi .... cho qua đi em, nhìn phía trước thẳng tiến , để cuộc đời này thêm đẹp hơn hihii

    ReplyDelete
  11. Trang ui ,tao bận rửa tay gác kiếm một thời gian ,nhưng đọc bài của mày máu trong tao trổi dậy nên nhảy vào comment cho mày vài dòng,nhân tiện tặng mày tấm hình những" cô bé chăn bò "ngày xưa.

    ReplyDelete
  12. Hình như mày có gửi email cho tao thì phải nhưng tao không nhận được gì cả.Cái hòm thư của tao sao á.

    ReplyDelete
  13. @ Langyen : tui vậy mà làm được nhiều chuyên phi thường thiệt á, nhưng mà bồ hong biết chuyện tui múa là cả 1 bi hài kịch! Bữa nào tui rảnh tui kể cho nghe ! Ừa cám ơn bồ tèo, mai mốt về tui bắt bồ dắt tui đi ăn bù lại , nhớ mua cho tui ít sơ -ri cóc ổi măng cụt thưởng tui nghen!

    @ NhocQuay: biết nhớ , thì không dễ quên đâu H . - dẫu sao có bạn bè cùng cảm thông thấm thía cũng là điều mà mấy ai có hả H ?

    @ XuanHong : Tao nghĩ chỉ có mày mới hiểu ý tao, những nhọc nhằn để người ta nhìn lại 1 chặng đời và để thấy yêu hơn cái mà mình đang có ! Lẽ nào lịch sử và tội ác lại phải cho sang trang nhỉ ?

    @chi2 : dạ , em sẽ quên những cơn ác mộng để tạ ơn Trời Phật rằng chúng ta đã thoát !

    @ chiMynhon : em sẽ thẳng tiến tới tương lai và làm chuyên đó nhiều hơn để thấy mình có ích cho cuộc đời tươi đẹp hôm nay chị nè

    @ MongLan : Tao có send email bài này cho tụi mày , hong hiẻu sao ai cũng nhận được mà có mày là thơ lọt xuống biển!???
    Mày ra thùng rác lục lại coi sao ?
    Cám ơn mày , sao tao hong có giữ cái hình SP nào hết vậy nè , nói thiệt nhìn cũng hong nhận ra tao luôn , ốm thê thảm , tay chân lỏng nhỏng như thằng người gỗ Pinochio !!!
    Tao cũng rửa tay gác kiếm vài lần, nhưng chợt nhớ tụi mày , nghĩ rằng phải ghi lại những ngày đã qua vi dẫu sao đó cũng là 1 chặng đời cúa mình!
    Vừa rồi có cuộc họp mặt đồng hương NT- NH bên Cali, mấy người gởi thư xin bài cho Đặc San số2 , cho nên lại vác kiếm lên rồi ... rửa tay tiếp! Mày vui nghen , - không dè H nha `ta thơ thẩn loãng moạn hết sức Mèo Mù à , phải chăng vì vậy mà chiếm được trái tim (mù loà ) cúa mày ?

    ReplyDelete
  14. Sis 4 oi, chi 1 bai "Lao Dong" cua sis ma ca the gioi len tieng ! Cuoc hop mat dong huong o CA luc nao vay sis? Chi 2 khong biet gi het ...U, ben nay nhieu buoi hop mat do nhieu nhom to chuc nen doi khi minh khong theo doi kip ! Sis co duoc 1 tam hinh "Vo Gia" do biet khong?

    ReplyDelete
  15. hihiii.. hồi đó ai cũng lao động mà. Sống, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, Lao động là vinh quang lang thang là chết đói... nhưng câu đó ăn sâu trong tiềm thức những ngừơi trẻ. So với Trang và các bạn, chị cũng lao đông nhiều lắm nè, từ một cô gái điệu đàng chả biết gì thế mà những đợt lạo động gúp cho chị biết nhiều lắm: biết gieo lúa, gặt lúa, rê lúa nè, nhớ hồi lội ruộng đĩa bám la choai choái, mặt xanh như tàu lá, nhớ những đợt trồng bắp, trồng mì giữa trời nắng chang chang, biết rằng không thu được kết quả gì mà vẫn phải làm. Rồi nhớ lại có nhiều hôm canh giữ rẫy bắp giữa đêm khuya, ăn bắp đến nỗi tào tháo rượt.. hehhhe.. giữa muôn trùng bắp và bắp có tiếng con gì kêu trong đêm là hết hồn...quấn chặt mền ti tỉ nước mắt. Thế đấy! Hồi ấy cái từ lao động rất phổ biến - chị bị phê bình hoài tác phong không lao động nghĩa là tóc dài bay trong gió, vẫn quần loe áo pull (hồi đó thịnh hành mốt này). Cuối cùng cũng phải bộ bà ba đen mặc vào với đôi guốc thấp cho hợp với thời thế, con ngừoi lúc đó. Thế là hết những ngày vui chơi... thế là tàn một giấc mơ thiếu nữ.. hichiic... nhớ lại tiếc những ngày xuân xanh quá! (phải gõ 2 lần đó, sáng giờ ì ạch hoài à)

    ReplyDelete
  16. @ chi2 : bạn bè quen không đó chị ,
    Cuộc họp của hội đồng hương Nhatrang Ninh hoà Duc Mỹ đó chị , 30.8 ở Pacific Seafood Restaurant , em có nghe kế chuyện và coi hình

    @ chị Hà : cám ơn chị chia xẻ cùng em và hì hục post tới mấy lần, mạng làm khó dễ chị quá há , vậy là chị cũng .." lao động " vì entry của em ! hihi
    Chị làm em nhớ những thiếu nữ thị thành xinh xinh như chị những ngày ấy với quần ống loe, áo chemise bó sát hoặc áo pull .... mắt kiếng to ...em thấy chị giống hình trong báo Tuổi Hoa , Tuổi Ngọc đó ,
    Em cũng biết làm lúa nè, khi ra đi dạy thì trường cũng có tổ chức cho giáo viên cấy lúa, thả phân bón, làm cỏ lúa, gặt lúa, đập lúa ... Thực tế khác hẳn những sách vở và sân khấu, không nghe tiếng hò hát mà chỉ nghe tiếng bịch bịch của lúa mình đập vào cái bồ , hong coi kỹ thì cắt vào tay thay vì cắt lúa với cái liềm bén ngót ... Rồi bỗng chốc nhìn lại thấy mình khg có được những thanh thản tươi mát của tuổi xuân , hoa chưa nở mà đã ... khô queo!

    ReplyDelete
  17. làm wen bạn nhé! chúc tối vui vẻ!

    ReplyDelete
  18. Ừm. Có những ngày như thế mới thấy hạnh phúc của những ngày như hôm nay là vô giá. Chỉ tiếc cho đất nước, tự dưng bị một phát giật lùi hàng vài thế hệ

    ReplyDelete
  19. @Banmaixanh : chào bạn và rất hân hạnh được làm bạn với bạn

    @anh HoangGuitar :
    Để được những ngày hạnh phúc vô giá như hôm nay là phải chấp nhận những đớn đau vô lý uổng phí mất mát thì quả là 1 tội ác không dung thứ anh ạ !
    Đáng tiếc là đang đi giật lùi cả mấy thê hệ mà lại quay đầu ngược cho nên lại cứ tưởng mình đang dẫn đầu leo lên cái đỉnh ... cao !
    Cảm ơn anh đã cho em ý kiến

    ReplyDelete
  20. Cau chuyen rat tuyet voi vua di do~m vua mang tinh cach lich su cua tho`i nam 1975. Va goi nho' trong chi nhung ky niem thoi do di lao dong noi da^`m sen park bay gio. Eo oi! nuoc ngap de^'n bung ma ca doa`n phai loi xuong mo'c bu`n, chuye^`n tay cuc bu`n den tay dua cuoi cu`ng chi con cuc nho xi'u. Xem ra Dam Sen Park cung co giot mo hoi cua chi tho`i "khai thien lap dia" do chu, chua ke di lao dong o Le Minh Xuan nuoc phen thay kinh qua!!!!! Thanks! da goi nho' cho chi nhung ky niem thoi do mac du ky niem nhoc nha`n va thinh thoang bi do'i nua.

    ReplyDelete
  21. Hi !!!!!!!!!!!!!!!! nha nay duzi qua cu ke chuyen ngay xua hoai -chuyen co tich ma lam day cung nho - xin loi cho tham gia mot ty teo nhe ! caam on -
    ma cung nho lao dong la vinh quang nen cac ban moi co cai may man de biet nuoc nguoi ta chu HI!!!!!!!!!!!!!!!!!!!! hi !!!!!!!!!!dung hong ???????????????nen phai cam on chu cac ban

    ReplyDelete
  22. @hoasbc :chị Mai ơi, hầu như ai cũng có chung một câu chuyện "lao động" trong thời buổi đó !
    Em chỉ ghi lại những gì mình đã đi qua chị ạ !

    @chaunghia : chuyện mới có 30 năm mà thành xưa rồi hén ? Chuyện cổ tích thì khg có thực, còn đây chuyện thực việc thực đấy thôi !
    Không có cái may mắn lao động này thì cũng có con đường du học , du lịch , di dân để " biết nước người ta " chứ có đâu cái may mắn phải cám ơn bằng những cái chết trên biển Đông ...
    Cám ơn bạn ghé qua !

    ReplyDelete
  23. - chuyen co tich cua ngay thang do dung la co that ban a ! that su chung minh da trai qua nhung ngay thang phi thuong - nhung co le do la dong co de thuc day moi nguoi tim con duoc vuot bien ,neu khong thi hom nay so nguoi di dan dau nhieu den the !!!!!!!!!!!!! minh chi gop chuyen cho vui nha - neu ban khong thuan y minh xin rut lui vay -

    ReplyDelete
  24. @chaunghia: chia xẻ những ý kiến khác nhau để thấy rõ vấn đề hơn là chuyện thường trong xã hội tự do dân chủ mà mình rất thích mà bạn !
    Rảnh mời bạn cứ ghé chơi , thêm bạn là thêm niêm vui mà !

    ReplyDelete
  25. Bồ tèo Trang ! hic thì ra mình cùng thế hệ thiệt , tui tưởng bồ chỉ nói vậy đề "an ủi" tui thôi ...Hồi đó nhà tui nè , đông người quá , nhiều ông bà già ( tới 4 người - ông bà nội và hai bà cô nữa ) mà phần gạo thì ít, khoai độn thì nhiều nên cứ đến hè là mí đứa nhỏ tụi tui đăng ký đi nông trường . Đặc biệt là tui , tui khoái đi , khoái giỡn . Đi về còn được trả lương bằng gạo , đi dùm cho mấy đứa con nhà giàu cha mẹ hông dám cho đi sợ hư thân mất nết . Tui nhớ hoài cái nét mặt nhơn nhơn của mí chị em khi xuống xe buýt , hùng dũng vác gạo về nhà như một chiến tích ...thương gì đâu...
    Cái tư duy của một thời "cào bằng khổ" sao nó làm ta ray rứt đến tận giờ ...nhưng tui lại nghĩ không phải nó xấu hết , anh chị em ngày đó khổ cực quá nên giờ hình như thương nhau hơn chứ không ích kỷ như tụi nhỏ bây giờ ...
    Tui chia sẻ với bồ nhiều ngậm ngùi về "Ngày xưa ơi! ngày xưa!" ...hén ...

    ReplyDelete
  26. Những kỉ niệm khó quên ở đời người!

    ReplyDelete
  27. Trang ơi, anh missed bài viết này của em, giờ anh mới đọc được. Em ơi, em biết không, anh vừa đọc, vừa cười với những câu văn dí dỏm vui tươi nhưng chứa đựng niềm đau khắc khoải, anh tưởng sẽ vuợt thoát được cảm xúc của mình nhưng cuối cùng anh không thể kềm hảm lòng mình, anh khóc cho em đã chịu đựng suốt một quá trình dài của tuổi thanh xuân, em phải sống trong những ngày lao động miệt mài thiếu thốn bầm dập cả thể xác lẩn tinh thần như vậy. Anh chia xẻ với em cho dù đã chìm vào quá khứ nhưng ký ức vẫn đậm nét buồn âm ỉ trong em.

    ReplyDelete
  28. ....có những ngày như thế ! Bài viết chân tình quá . Làm nhớ lại một thời không hiểu sao người ta lại sống và đi qua được. Cho dù đã xa lắm những ký ức xót xa giờ vô tình khơi lại vẫn còn nghe cay cay....Cảm ơn bài viết cho nửa đêm này ngồi nhớ lại một thời cay đắng vậy mà vẫn yêu thương vẫn hát tình ca dù chỉ hát khe khẽ giữa đêm như đêm này ....

    ReplyDelete
  29. @ MM ừa , tui cũng có cái măt nhơn nhơn như vây với ít gạo thóc thời giao viên làm ruộng, đem về cứu đoi giảm nghèo cho nhà tui ! hì hi ... Cùng thế hệ cho nên noí ra là đồng cảm liền !

    @anh Đông Ngàn: quả thực là khó quên , dường như ai cũng có tâm trạng và hoàn cảnh chung như thế!

    @ anh HLe: dạ em vui vì có được sự đồng cảm của mọi người anh ạ
    Cảm ơn anh đã vừa khóc , cười theo ... bài viết của em ( khóc cười theo mệnh nước nổi trôi há anh ?)
    Chừng nào dân còn nghèo , nước còn khổ thì em còn chưa quên những gai góc , vết thương vết sẹo trên con đường dân tộc mình đi , anh ạ !

    @vuonkhuya :Cảm ơn anh /chị đã cùng đồng cảm rưng rưng nhớ lại quãng đời đã qua , để có những tình ca đêm khuya trăn trở !
    Rất vui được gặp anh / chị nơi đây ạ

    ReplyDelete